Hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta đã - đang học tập ở Người được nhiều điều bổ ích, phục vụ cho công tác và cuộc sống đời thường.
Bác Hồ nói chuyện, thăm hỏi các cháu nhi đồng ở thị xã Vinh (1961)
Nhiều người đều nhận thấy, “học” theo tấm gương của Bác đã quan trọng nhưng “làm” theo Bác càng quan trọng hơn. Có khi chúng ta chú trọng học tập cái lớn lao, vĩ đại ở Người mà quên rằng, những điều thường nhật tưởng chừng đơn giản, song lại có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt là cách nói - viết chính xác, cụ thể, dễ hiểu.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe Bác Hồ nói điều gì đó, mọi người hoàn toàn tin tưởng, chăm chú lắng nghe, nhớ hiểu và nhớ để áp dụng vào cuộc sống được ngay. Biết tin Bác đến thăm, nói chuyện với địa phương nào đó, mọi người háo hức trông chờ mà không cần sự thúc dục nào khác.
Ngoài sự kết hợp, thống nhất giữa việc làm và lời nói thì ở Bác có phong cách diễn đạt chính xác, cụ thể, dùng từ ngữ quen thuộc, dễ hiểu, gần gũi, phù hợp với đối tượng, làm cho ta mỗi khi nghe Bác nói thì vẫn như đang xem Bác làm và ngược lại. Tìm hiểu các bài viết, các bài nói chuyện của Bác với cán bộ và nhân dân, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Xin nêu vài ví dụ:
- Trong buổi nói chuyện cho lớp cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18/1/1967, Bác đưa ra câu chuyện: Trước Cách mạng tháng 8/1945, trong vùng giải phóng ở Tân Trào có làm một nhà văn hoá. Một hôm, có 1 cán bộ nam, 1 nữ đến diễn thuyết. Họ nói rất say sưa.
Lúc đó, Bác ghé sang một người bên cạnh hỏi: Ông có hiểu gì không? Ông ta lắc đầu nói: Không hiểu gì cả? Bác liền nói: Cái đó cũng dễ hiểu thôi vì mấy đồng chí kia nói nhiều lại dùng những chữ cao xa, nào là “chủ quan”, “khách quan”, tiêu cực, tích cực... Trình độ hiểu biết của đồng bào ta còn hạn chế nên họ không hiểu.
- Ngày về thăm Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn) 10/12/1961, ngồi trên xe đi qua bệnh xá của Nông trường, Bác hỏi chú Mạnh (Giám đốc Nông trường): Khu vực này là cơ quan của chú phải không? Dạ, đây là bệnh xá. Bác liền chữa lại: nên gọi là nhà thương!
Thấy dòng khẩu hiệu ghi trên băng côn, treo ở phía trước “Nhiệt liệt hưởng ứng chiến dịch Lam Trà nổi sóng” (chiến dịch do Đảng bộ Nghệ An phát động) nhưng do cắt chữ không có dấu nên Bác yêu cầu chú Mạnh đọc cho Bác nghe rồi nhắc nhở: phải viết chữ có dấu để nhân dân dễ hiểu và kẻ xấu không lợi dụng xuyên tạc được.
Trước lúc ăn trưa, chú Mạnh nói: hôm nay mời Bác bữa cơm, sản phẩm là do Nông trường tự làm ra. Bác liền cười vui và hỏi lại: Thế 100% là do Nông trường làm ra à (dạ). Bác bảo: Thế muối cũng do Nông trường làm à!
- Trong buổi nói chuyện với Đảng bộ Nghệ An ngày 14/6/1957, khi nói đến sự đoàn kết với người Hoa kiều, Bác giải thích cặn kẽ cả ý và nghĩa của câu chữ để mọi người cùng hiểu: Việt - Hoa là anh em. Biên giới nước ta và Trung Quốc có một cửa quan. Từ thời Tưởng Giới Thạch về trước, chúng gọi là Trấn Nam Quan. Trấn tức là trị, là trấn áp. Từ 1949, khi Trung Quốc thống nhất, cụ Mao Trạch Đông ra lệnh sửa chữ Trấn Nam Quan thành Mục Nam Quan. Mục là hoà mục, là anh em.
- Đưa ra vấn đề nào đó, đặc biệt là vấn đề có tính lý luận thì Bác gắn với ví dụ, dẫn chứng cụ thể, không nói chung chung. Trong bài viết đăng ở Báo Nhân dân ngày 18/1/1960, khuyên mừng Tết Nguyên đán tiết kiệm, Bác viết: Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, lãng phí, không Xuân.
Nên nhớ rằng, hiện nay chúng ta phải cần, kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy. Ví dụ: Việc đáng chê vừa rồi, vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê. Đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè...
Khi phê bình một số địa phương chưa thực hành tiết kiệm, Bác nói: Chăm sóc trâu, bò để sản xuất chứ không phải để liên hoan, để đánh chén. Trung ương thường nhắc nhở các địa phương: Chúng ta phải ra sức sản xuất và tiết kiệm. Nhiều nơi đã thực hiện tốt. Nhưng có nơi, giấy gửi đi hình như chữ bị hao mòn, chữ “tiết kiệm” lại hoá ra chữ “tiết canh”.
Rồi Bác đưa ra dẫn chứng mà Bác đọc ở báo Hải Phòng: Vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Mỹ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xẩy ra. Khánh thành trạm bơm cũng giết 2 con lợn. Hợp tác xã tổng kết giết 4 con lợn, ăn cơm tập đoàn cũng giết 1 con lợn...
Hiện nay, vẫn còn khá đông cán bộ, đảng viên chưa thực sự ý thức làm theo cách nói, viết chính xác, cụ thể, dễ hiểu ở Người. Hiện tượng “lý thuyết suông”, sáo rỗng, công thức - mệnh lệnh vẫn tồn tại khá phổ biến. Có người còn ra oai, thể hiện mình học rộng biết nhiều nên thích dùng từ ngữ cao siêu mà đôi khi chính họ vẫn chưa hiểu rõ nghĩa, làm cho người nghe khó hiểu, đôi khi khó chịu.
Người ta rất chán ngán khi phải đọc, phải nghe những bài nói chuyện, báo cáo thành tích, báo cáo tổng kết, báo cáo phương hướng hoạt động hay các bản tham luận có tính chung chung.
Thiết nghĩ, để học những cái cao siêu, trước hết ta học từ điều sơ đẳng, đơn giản, cụ thể mà có thật - có ích, nếu không khéo sẽ lãng phí thời gian, công sức. Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên phải học cách nói - viết của Bác Hồ thì thông tin về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước mới nhanh vào dân, dễ đi vào cuộc sống, cho quả ngọt hương thơm!