Tình trạng xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và chưa có những dấu hiệu về một sự thay đổi theo hướng tích cực. Vấn đề này đã được cảnh báo từ lâu và gần đây lại rộ lên những vụ học sinh lừa đảo, chém thầy, giết bạn. Liệu có phải xem lại công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường?.
Thực tế cho thấy, ý thức, đạo đức của học sinh càng đi xuống. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" có phần bị xem nhẹ khi nhiều học sinh xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô, chỉ chào thầy cô trong trường, còn ra đường thì... không quen biết. Rồi chuyện tày trời học trò đánh thầy, không chỉ với học sinh nam mà học sinh nữ cũng hút thuốc, uống rượu, thành lập đảng phái, chia băng nhóm "thanh toán" nhau ngay trước cổng trường.
Học sinh vay nặng lãi, đánh lô, đề, cầm đồ, trộm cướp tài sản, nghiện hút chích, dùng thuốc lắc, vi phạm pháp luật đang ngày một gia tăng.
Ngày càng nhiều thanh thiếu niên có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ; một số học sinh còn trông chờ, ỉ lại; thờ ơ với tình hình chính trị của quê hương đất nước.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các em vi phạm đạo đức, trong đó, tình trạng tổ ấm gia đình bị chia tách, cách nuôi dạy con phản khoa học và sự thiếu gương mẫu của các bậc cha mẹ là nguyên nhân chủ yếu.
Trong trường học chúng ta có cả chương trình đạo đức xuyên suốt, từ bậc Mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc Tiểu học là môn Đạo đức, bậc Trung học là môn Giáo dục công dân. Nhưng chương trình sách giáo khoa mới lại quá ôm đồm, rất khó nhớ, khó nhập tâm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách học sinh. Cô Bùi Thị Hoa giáo viên trường tiểu học Vinh Tân tâm sự: dạy đạo đức cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học phải phối hợp các môn học, bài học và các hoạt động chứ không riêng gì dạy môn đạo đức. Tôi rất thích những bài tập đọc, học thuộc lòng ngày xưa, qua đó giáo dục cho các em tình cảm yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc và giữ gìn cốt cách người Việt Nam. Trong chương trình sách giáo khoa mới lại bỏ đi những bài học ý nghĩa đó mà thay bằng những bài học quá trìu tượng...
Về phía các trường học hầu như nặng về "dạy chữ", nhẹ về dạy người. Nhiều giáo viên lên lớp chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, quan hệ thầy trò nhợt nhạt, không có thì giờ để uốn nắn chỉnh sửa những sai trái của học sinh, sinh viên. Cùng quan điểm này, thầy giáo Đặng Thành Công - Hiệu trưởng trường THCS Bến Thủy nhấn mạnh: Nhiều năm qua, chúng ta giáo dục đạo đức theo kiểu giáo điều. Nội dung giáo dục nào cũng có, nhưng lại chưa quan tâm đầy đủ đến phương thức giáo dục, hình thức giáo dục phù hợp.
Việc tuyển chọn sinh viên vào các trường sư phạm, tuyển dụng giáo viên đang nặng về trình độ học lực, xem nhẹ lòng yêu nghề, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng sư phạm và nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo. Qua theo dõi của Sở GD&ĐT trong những năm gần đây số giáo viên trẻ (25-35 tuổi) vi phạm đạo đức cũng nhiều hơn.
Một nguyên nhân nữa là môi trường văn hoá bị ô nhiễm bởi những sản phẩm xấu đang hằng ngày hằng giờ hủy hoại lối sống đạo đức của thanh niên, thiếu niên.
Ở góc độ xã hội, điều ai cũng thấy là kỷ cương phép nước ở một số lĩnh vực, ở một số địa phương bị buông lỏng, vô tình tạo nên tình trạng tội phạm gia tăng.
Ông Phạm Huy Đức -tổng thư ký Hội Tâm lý - Giáo dục Nghệ An cho biết: "Vấn đề học sinh vi phạm đạo đức đã từng được đưa ra tại cuộc hội thảo "Học sinh, sinh viên Nghệ An làm theo lời Bác" do Hội phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức. Hội thảo đi đến thống nhất cần đưa ra giải pháp đồng bộ mà trách nhiệm thuộc về Gia đình - Nhà trường - Xã hội".
Gia đình là nơi hình thành đạo đức cơ bản của học sinh.
Nhà trường ngoài nhiệm vụ cung cấp kiến thức phổ thông cho học sinh thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh là mặt thứ hai của một vấn đề đào tạo con người mới có tài có đức. Phải coi trọng các tiết đạo đức trong trường học, cải tiến phương pháp dạy tiết học Đạo đức, các khâu kiểm tra, dự giờ, giáo án... phải được chú trọng như môn chính khoá. Nhà trường luôn coi các em là thành viên của xã hội để tổ chức cho các em tham gia những hoạt động xã hội; những buổi tham quan các di tích lịch sử, quê hương Bác, các nhà cách mạng... nâng cao tầm nhìn, tầm hiểu biết, tạo sự quan tâm tập thể, nâng cao tính tự lập và đặc biệt giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước.
Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó tự học tự rèn, hết lòng vì học sinh thân yêu, lối sống gương mẫu, ý thức kỷ luật, năng lực chuyên môn... của người thầy đã - đang và mãi có sức hút lớn nhất, mạnh mẽ nhất, cao quý nhất đối với tất cả học sinh.
Rõ ràng giáo dục đạo đức cho học sinh không phải của riêng ai. Sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường, xã hội phải được nâng lên chặt chẽ hơn nữa. Quản lý tốt các tụ điểm vui chơi giải trí, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, triệt để truy quét tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, tạo nhiều sân chơi văn hóa nghệ thuật lành mạnh cho thanh, thiếu niên, đồng thời kiên quyết xóa bỏ những sản phẩm văn hóa độc hại với sự tham gia của chính những người trẻ. Đặc biệt phải có các chế tài cụ thể, quy định kỉ luật thích đáng cho những vi phạm đạo đức, đủ sức mạnh để ngăn chặn, răn đe. |