Trang chủ
Video clips
Loading the player...
Liên kết Website
Thống kê truy cập
Truy cập hôm nay: 200
Tất cả: 258296
 
NHỊP SỐNG HỌC ĐƯỜNG | NHỊP CẦU SƯ PHẠM Bản in
 
Dạy giỏi thôi - chưa đủ!
Tin đăng ngày:14/09/2015 - Xem: 1386
 

Ngồi thẳng lên con không... vẹo lưng, cận thị

Có lẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện “phạt” một giáo viên khi thấy cảnh trong lớp phần lớn HS cúi gằm mặt sát vở khi viết bài, thậm chí có em gần như bò xoài người ra bàn để viết. Cũng chưa thấy có phụ huynh nào dám “bắt đền” GV, vì trước khi đi học, đôi mắt của con họ “sáng”, “khoẻ”, đạt 10/10, nhưng sau một thời gian đến lớp tập viết, học bài... bố mẹ đã phải đưa con đến bác sĩ khám, đo độ loạn thị... 

Kỹ năng cuộc sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực cho phép bạn và bạn của bạn đối mặt với những thức thách của cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng cuộc sống bao gồm: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng ra quyết định; Kỹ năng quan hệ; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng thiết lập mục tiêu; Kỹ năng suy nghĩ tích cực; Kỹ năng kiểm soát tình cảm; Kỹ năng quyết đoán; Kỹ năng phát triển lòng tự trọng; Kỹ năng tránh áp lực đồng đẳng; Những giá trị cá nhân.

Một HS lớp 2 ở Hà Nội, khi từ trường trở về nhà đã kể với bố mẹ: “Cô H (cô giáo chủ nhiệm) nói có khi cả lớp con phải trang bị dụng cụ chống cận thị chứ không thì hỏng hết mắt... Mới lên lớp 2 mà ai bò ra bàn để viết...”.

Cô H vừa chuyển công tác đến trường, được nhận chủ nhiệm lớp 2 mới vài tháng, nhưng phụ huynh trong lớp xì xào chê kỹ năng sư phạm của cô kém, chữ viết của HS trong lớp xấu hẳn so với năm học trước. Cuối năm, cô H cũng “lọt thỏm” giữa “rừng” GV giỏi và có uy tín lâu năm trong trường.

Câu chuyện thể hiện sự ái ngại của cô H về tư thế ngồi học, ngồi viết của HS rồi cũng “nhạt” mất giữa bộn bề giáo án phải soạn để dạy ngày 2 buổi, giữa mối lo phải dạy bao nhiêu môn từ “chính” đến “phụ”, tiết này lại tiết khác.

Trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng một lớp sĩ số thì tới hơn 50 HS, với hơn 50 khả năng tiếp thu, tính cách khác nhau, mà GV phải tìm hiểu, uốn nắn. Rồi còn bàn học đã được thiết kế với cả hai chức năng vừa để làm chỗ viết, vừa để làm chỗ ngủ trưa thì làm sao lắp cố định thiết bị chống cận thị, vẹo cột sống (*)... Có một thời gian dư luận trong trường tiểu học nhắc đến một dụng cụ được gắn vào bàn học giúp HS ngồi thẳng khi viết. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, không mấy ai nói đến việc trang bị dụng cụ này, vì nhiều người cho là bất tiện ở trong một lớp học “đa chức năng” vừa là chỗ học vừa là chỗ ngủ, nghỉ của HS bán trú.

Không biết có phải vì quá nhiều công việc phải làm, mệt mỏi và căng thẳng xoay mình với mấy chục HS trên lớp, mà bây giờ thật hiếm HS được nghe được những lời nhắc nhở nhẹ nhàng từ GV khi viết bài, đọc sách: “Ngồi thẳng lên con”, “ngẩng đầu cao lên con”... Ngoài những buổi dự giờ, những tiết lên lớp để thi GV dạy giỏi, để kiểm tra chuyên môn... hiện nay, liệu có bao nhiêu GV quan tâm đến tư thế ngồi học của HS nói riêng và sức khỏe của các em nói chung hơn việc phải hoàn thành bài, hoàn thành chương trình môn học, bằng việc phải nỗ lực nâng cao chất lượng, nâng cao kết quả giảng dạy qua điểm số của HS?

Trong quy định về chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học, các yêu cầu thuộc lĩnh vực phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống có nội dung yêu cầu GV tiểu học phải: “Hết lòng giảng dạy và giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm của một nhà giáo”. Đó có thể là nội dung yêu cầu gần nhất với chữ “tâm” khi người thầy “đứng lớp”. Tuy nhiên, sự tận tuỵ, tình yêu thương và trách nhiệm của GV khó có thể “chấm điểm”, hay “chỉ rõ” mỗi khi bình bầu thi đua cuối năm trong tổ, khối, trường... “Tâm” của thầy, cô chỉ còn được nhắc đến trong câu chuyện của phụ huynh và chính HS của họ.

a
HS cần được học kỹ năng sống (ảnh MH)

Con chỉ thích học cô A

Dịp 20/11, trường như rộn ràng hơn bởi những bó hoa rực rỡ của ban phụ huynh các lớp, những túi quà, tấm thiếp mừng lăm lăm trên tay nhiều phụ huynh vào đầu và cuối buổi học. Ít ai để ý ở trước cổng trường tiểu học T (Hà Nội) một nhóm HS lớp 5 tíu tít quanh hàng bán hoa rong, từng bông hoa được gói sơ sài trong lớp nilon mỏng bán với “giá chung” ngày Lễ thầy cô 10.000đ/bông. Bàn tính một hồi, mỗi em mua một bông hoa rồi chạy vào trong trường. Cả nhóm ùa đến bên một cô giáo dạy lớp 1 đang đứng trò chuyện với phụ huynh ở cửa lớp: “Con tặng cô, con tặng cô...”.

Những bông hoa nho nhỏ nằm sau lớp nilon mỏng oặt ẹo đến tay cô giáo khi chính cô cũng chưa kịp nhận ra đó là HS ở lớp nào, tên là gì... thì nhóm HS đã lẫn vào rất đông HS trong sân trường. Vị phụ huynh chứng kiến cảnh đó đã kể lại cảm giác xúc động của chị còn mãi về sau, khi thấy nhóm HS đó vẫn còn biết nhớ và thể hiện tình cảm yêu quý cô giáo cũ bằng một hành động giản dị. Trong khi đó, hễ đến dịp lễ, tết, cần thể hiện sự tri ân với thầy cô thì nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đến người đầu tiên (quan trọng nhất) cần mua quà, biếu tiền... là GV đang dạy con mình ở năm học này chứ không phải GV từng dạy ở những năm học trước.

Vậy nhưng, khi đánh giá về một GV, phụ huynh lại có những nhận xét rất cụ thể. Tham gia cuộc trò chuyện với một số phụ huynh có con học Trường THCS Đ (Hà Nội), chúng tôi đã ghi lại được không ít lời phụ huynh nhận xét GV rất trực diện: “Lớp con tôi năm nay đổi một loạt GV rồi. Dạo này nó hay kể với bố mẹ: Thầy An chán lắm! Thầy Chữ thì tuyệt vời. Cô Nhung giảng bài dễ hiểu, thuộc luôn bài trên lớp...”. “Đã làm thầy cô thì phải có “tâm”, HS mới thích học, chứ dạy chuyên, dạy giỏi gì cũng không quan trọng bằng”... Mỗi ngày con đi học ở trường về, phụ huynh thường hỏi con được điểm mấy? Cô giáo, thầy giáo dạy có dễ hiểu không hay thậm chí có những phụ huynh luôn lắng nghe và tìm hiểu xem bọn trẻ nghĩ gì, nhận xét về cô giáo, thầy giáo đang dạy chúng.

“Chọn trường không bằng chọn cô” là câu nói khá quen thuộc hiện nay trong phụ huynh đang có con ở lứa tuổi tiểu học. Xin cho con được vào học một trường tốt (có uy tín, chất lượng) được học cô A dạy giỏi... là mong muốn của mỗi bậc cha mẹ.

Cô có cần đến “kỹ năng sống”?

Những năm gần đây, nhiều GV, phụ huynh bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề kỹ năng sống của HS. Nhiều lớp dạy kỹ năng sống cho HS “mọc” lên ở khắp nơi, cả ở ngay trong trường học. Sau buổi học hàng ngày, một số HS đã được bố mẹ đăng ký cho tham gia lớp học kỹ năng sống. Nhiều phụ huynh và GV hiểu nôm na rằng học kỹ năng sống là học những gì cần thiết bên cạnh những kiến thức văn hóa (theo chuẩn chương trình) mà HS bắt buộc phải tiếp thu trong giờ học chính khóa. Cùng với việc khuyến khích phụ huynh cho HS tham gia lớp kỹ năng sống, GV cũng được hướng dẫn, khuyến khích lồng ghép nội dung kỹ năng sống vào một số bài học, một số tiết học... Tuy nhiên, có điều đáng nói là, trong khi HS được quan tâm hơn đến việc rèn kỹ năng sống, thì chính một số GV lại tỏ ra ít quan tâm đến kỹ năng sống của chính mình.

Một phụ huynh có con đang học mầm non đã rất khó khăn khi xin cho con một suất vào học ở trường “điểm” trong quận. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh này đã phải tìm “đường” chuyển trường khác cho con, vì lý do: “GV trường này rất kiêu. Chăm trẻ thì ít, toàn giao cho các giáo sinh thực tập. Khi phụ huynh chào hỏi thì mặt lạnh như kem. Cử chỉ, hành động với trẻ không dịu dàng...”. Còn một phụ huynh khác chỉ mới cho con học hết lớp 1 ở trường công lập, đến lớp 2 lập tức chuyển sang dân lập. Với lý do: “Ở đó dạy nhồi nhét, học cả ngày ở trường rồi mà vẫn giao bài tập về nhà, bắt HS phải làm bài tập cả buổi tối, khiến cha mẹ HS cũng phải dạy học...”.

Và hàng loạt vấn đề nảy sinh trong việc xưng hô với HS mầm non đó là một trong những biểu hiện của sự thiếu hụt, thiếu rèn luyện về kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quan hệ trong kỹ năng sống của GV. Bên cạnh đó, kỹ năng kiểm soát tình cảm, một kỹ năng sống quan trọng đối với GV trong quá trình tiếp xúc với HS mỗi ngày cũng vô cùng quan trọng.

Trước những HS chưa ngoan, lười học, thậm chí đối phó và phản ứng với buổi dạy của GV, nếu một GV kiểm soát được tình cảm thì có thể có những ứng phó hợp lý để đưa HS vào “quỹ đạo” cần thiết; song, nếu GV không kiểm soát được tình cảm, gặp tình huống HS không chịu làm bài, phạm lỗi trong giờ học... thì có thể nóng giận, bực bội, dẫn đến ứng xử thiếu kiềm chế như mắng, thậm chí đánh HS.

Cùng với ứng xử thiếu kiềm chế, có GV còn tỏ ra bàng quan khi được phản ánh trong lớp, trong trường có HS đánh nhau, HS trêu chọc bạn. Coi đó là những chuyện “khó tránh khỏi”, thậm chí đó là “chuyện thường”, khiến việc HS “mách” thầy, cô khi bị bạn trêu chọc, bị đánh... có khi còn bị thầy, cô “vô tình quên”, hoặc lờ đi... trong nỗi ấm ức của HS.

Nếu cho rằng HS đang rất cần được học kỹ năng sống, vì kỹ năng cuộc sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực giúp HS vượt qua những thức thách của cuộc sống hàng ngày; thì ngược lại, chính thầy cô giáo cũng rất cần rèn luyện kỹ năng sống, để mỗi khi bước vào lớp, đứng trên bục giảng, khi giao tiếp... đều được HS và phụ huynh tin yêu.

 
Nhịp cầu sư phạm khác:
20 điều giáo viên trẻ cần biết (14/9/2015)
Phối hợp tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS (14/09/2015)
5 quy tắc giáo dục học sinh “chưa ngoan” (14/09/2015)
Dạy giỏi thôi - chưa đủ! (14/09/2015)
Chấm điểm Trường học thân thiện (14/09/2015)
Kinh nghiệm giảng dạy và học tập môn lịch sử (14/09/2015)
Bài học về huy động Quỹ khuyến học ở Hưng Đông (13/09/2015)
Kinh nghiệm giảng dạy và học tập môn Lịch Sử (13/09/2015)
Lớp chọn cần phải sạch (13/09/2015)
DẠY CHỮ phải đi đôi với DẠY NGƯỜI (13/09/2015)
 

TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN TRÃI
Địa chỉ: Đ. Phạm Huy - Phường Quán Bàu - TP Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.530.087  - Hotline: 0916.230.405
Email: [email protected]
Website: http://thnguyentrai-vinh.edu.vn